THANH NIÊN TIÊN TIẾN LÀM THEO LỜI BÁC

KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN (23/10/1961 – 23/10/2021)

KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN (23/10/1961 – 23/10/2021)

Nhắc đến đường Hồ Chí Minh trên biển không thể không nhắc đến Thiếu tướng - Tư lệnh Hải Quân -  Nguyễn Bá Phát – người đã có tầm nhìn chiến lược mở đường đoàn tàu không số

"Ảnh: Thiếu tướng, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát"

Nguyễn Bá Phát (1921-1993) quê làng Trung Sơn, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ông là Tư lệnh quân chủng Hải quân (1964 - 1976), Tư lệnh Hải quân tiền phương trong chiến dịch tổng tiến công 1975.

*Mở đường tàu không số: Nguyễn Bá Phát từng tham gia lính thủy trong quân đội Pháp. Với 6 năm lênh đênh trên biển cả, ông đã đi đến nhiều bờ biển châu Á, châu Phi, qua tận đảo Réunion (nơi vua Duy Tân bị lưu đày). Tháng 10/1954, tập kết ra Bắc, ông được cử làm Đại đoàn phó Đại đoàn Quân Tiên Phong (sư đoàn 308). Chưa đầy năm sau, Bộ Quốc phòng điều ông giữ chức Cục phó Cục Phòng thủ Bờ biển, tiền thân của Quân chủng Hải quân sau này. Miền Bắc mới giải phóng, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thấp kém, nhiệm vụ cấp bách là phải có phương tiện tàu thuyền để các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển: gìn giữ trật tự trị an vùng duyên hải, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ nhân dân đi lại và làm ăn trên biển. Đáp ứng yêu cầu trên, Cục phó Nguyễn Bá Phát đã cho xây dựng Xưởng 46 với lực lượng kỹ thuật tàu thuyền mà nòng cốt là công nhân quân giới Liên khu 5, quê hương ông. Đây cũng chính là đơn vị tham gia vào 2 thủy đội đầu tiên mang tên Sông Lô và Bạch Đằng như chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Hai thủy đội này là những viên gạch đầu tiên, là tiền thân của lực lượng tàu chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam sau này”. Chiến trường miền Nam cần sự chi viện của miền Bắc. Nguyễn Bá Phát đã có tầm nhìn chiến lược về đoàn tàu không số.

"Ảnh: tàu không số vận chuyển hàng và vũ khí chi viện vào Nam"

Đêm 16/11/1964, Tư lệnh Nguyễn Bá Phát thân chinh xuống đưa tiễn tàu 41 xuất phát vận chuyển vũ khí vào Vũng Rô. Đây là một kế hoạch hết sức táo bạo vì Vũng Rô quá gần với Cam Ranh - khi đó là căn cứ Hải quân lớn nhất miền Nam của chính quyền Sài Gòn....

"Ảnh; tàu 641, ba lần thay đổi phiên hiệu (tàu 41, tàu HQ641 và sau là HQ671), năm 2011 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tàu được biên chế về Bảo tàng Hải quân;  Năm 2017,  Thủ tướng Chính phủ công nhận tàu là bảo vật quốc gia"

Được tin Hải quân đã khai thông đoàn tàu không số, ngay trong đêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật xuống Hải Phòng. Gặp ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh khích lệ: “Chú là gốc lính thủy Pháp, chú có nhiều kinh nghiệm đi biển đánh thắng thằng Mỹ này phải khác với đánh thắng thằng Pháp. Chú đã có công quật ngã Pháp dưới mặt biển thì bây giờ chú phải quật ngã tiếp thằng Mỹ xâm lược này nữa chứ chú Phát”. Và trong chuyến thăm bí mật ấy, Bác đã tặng ông chiếc đồng hồ đeo tay có khắc tên của Người bằng chữ Hán. Món quà của Hồ Chủ tịch cũng chính là nguồn động viên khiến ông luôn trăn trở và suy nghĩ trong khó khăn chung của đất nước. Quân chủng mới thành lập, lại phải đương đầu với kẻ thù được trang bị tối tân, Tư lệnh Nguyễn Bá Phát động viên đồng chí và đồng đội tự lực, tự cường, sáng tạo ở mọi hoàn cảnh.

"Ảnh: Tư lệnh Nguyễn Bá Phát thăm đoàn 125 năm 1970"

*Phá phong tỏa thủy lôi của Mỹ: Không quân và Hải quân Mỹ đánh vào cảng Hải Phòng, thả bom từ trường phong tỏa vùng sông biển Hải Phòng cũng như hệ thống sông ngòi miền Bắc. Chính phủ thành lập Ban chống phong tỏa trực thuộc Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị làm Trưởng ban, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát là ủy viên. Ban đã đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp hữu hiệu để rà phá thủy lôi, bom từ trường góp phần đánh bại kế hoạch phong tỏa của địch. Trong đó, việc sản xuất thiết kế các loại thiết bị rà quét phá thủy lôi bom từ trường của địch như khung dây từ trường dưới nước trên bờ, ca nô phóng từ không người lái... đều có sự đóng góp đắc lực của Tư lệnh Nguyễn Bá Phát. Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, cho biết: Phương pháp khởi xướng rà phá thủy lôi của Hải quân Việt Nam rất độc đáo. Chưa có một nước nào dùng cách kích nổ thủy lôi trước mũi và hai bên mạn tàu. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm, dễ chịu tổn thất nặng nề. Không có khả năng khử hết từ trường của tàu, Hải quân Việt Nam đã làm ngược lại với cách rà phá của các nước trên thế giới. Họ kích nổ phía sau tàu, ta kích nổ trước mũi tàu. Nhờ phương pháp độc đáo này, chiến tranh thủy lôi của Mỹ đã hoàn toàn phá sản, không phong tỏa nổi các cửa biển miền Bắc.

"Ảnh: Tư lệnh Nguyễn Bá Phát (giữa) họp ban chỉ đạo chống phong tỏa thủy lôi và bom từ trường tại các vùng sông biển của Mỹ năm 1972"

Năm 1997, Bộ Quốc phòng đã trao bằng chứng nhận Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát có đóng góp về giải pháp khoa học công nghệ vào công trình khoa học tập thể Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường đảm bảo giao thông (giai đoạn 1967 - 1972) được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I. Ngày 10/8/2007, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chia sẻ những nhận định về Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát: “Là một người Cộng sản kiên trung, người con trung hiếu của Liên khu 5, vị tướng tài trí của quân đội ta, có nhiều công lao đối với Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Tôi nhớ mãi Thiếu tướng Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát một vị tướng tài trí của quân đội ta, người đồng chí thân thiết mà tôi luôn tin tưởng mỗi lần giao nhiệm vụ”.

"Ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra vùng biển cùng Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát"

Với những công lao và đóng góp của ông, ngày 23/2/2010, Nhà nước truy tặng Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Các bài viết khác

Đang online: 1
Tổng truy cập: 319982