BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Tỉnh táo trước những thông tin gây nghi kỵ, hiểu lầm chính sách đối ngoại của Việt Nam



Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam, đối ngoại là lĩnh vực rất quan trọng mà các thế lực thù địch, phản động nhằm vào. Đặc biệt, khi Việt Nam chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng thì đó cũng chính là điều kiện để các thế lực thù địch, phản động tìm cách chống phá. Bằng nhiều chiêu trò, họ mưu toan đẩy mạnh tuyên truyền, tán phát những thông tin sai lệch, bịa đặt, phủ nhận những thành tựu của công tác đối ngoại, xuyên tạc quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và quan hệ của Việt Nam với các nước đối tác; xuyên tạc đường lối, phương châm đối ngoại, hòng gây nghi kỵ quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới, hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...

Không có mô tả ảnh.

Thời gian gây đây khi mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có hàng loạt hoạt động ngoại giao với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng bên cạnh những cái nhìn thiện cảm, những nhận định, đánh giá khách quan về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và thành công từ các hoạt động ngoại giao nổi bật ấy, vẫn còn những những ý kiến, phát biểu phiến diện, suy diễn chủ quan của một số nhân vật thiếu thiện chí, phần tử bất mãn, phản động chuyên tìm cách chống phá Việt Nam. Cả trước, trong và sau mỗi chuyến thăm, thông qua một vài trang website, mạng xã hội ở hải ngoại, các thế lực thù địch lại cố tình xuyên tạc về mục đích, ý nghĩa và kết quả các chuyến thăm và các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại quốc phòng.

Một số bài viết đặt ra nhiều câu hỏi kèm những lời bình luận dễ khiến người đọc hiểu lầm về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chẳng hạn như trong bài: “Ngoại giao hải quân dồn dập giúp gì cho Việt Nam trên Biển Đông?” trên VOA tiếng Việt. Tác giả bài viết này, dẫn lời các nhà phân tích nói với VOA rằng: “Những hoạt động ngoại giao hải quân của Việt Nam với Nhật, Ấn và nhất là chuyến cập cảng của tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan là hậu thuẫn quan trọng đối với Việt Nam trên Biển Đông, nhất là trong bối cảnh nước này bị tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế”; hay trong bài: “Biển Đông: Việt Nam ngày càng gần Mỹ hơn,…?” cũng đăng phát trên VOA sau đó có một số trang đăng lại. Sau khi nói về những bước phát triển trong mối quan hệ giữa Việt Nam với “những người bạn của Mỹ” như Nhật, Úc, Philippines… đặc biệt trong hợp tác an ninh, quốc phòng...”, bài viết này đặt ra câu hỏi: “Phải chăng Việt Nam đang xích lại gần Mỹ hơn thông qua những đồng minh của họ?”. Khi phân tích về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, sau khi trích dẫn nhiều ý kiến của các học giả, nhà phân tích, tác giả bài viết hoài nghi đưa ra câu hỏi: “Trung Quốc đang đẩy Việt Nam gần Mỹ hơn?”…

Các đặt vấn đề và phân tích của các bài viết trên là không phù hợp, không đúng với đường lối, chính sách đối ngoại, đặc biệt là chính sách đối ngoại quốc phòng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Quan điểm, chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam là rất rõ ràng. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại theo phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là: Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có hàng loạt hoạt động ngoại giao với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng. Đối ngoại quốc phòng tiếp tục được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực và trở thành một kênh đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 100 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có đầy đủ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn là đối tác chủ chốt, quan trọng. Các hoạt động ngoại giao nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng diễn ra gần đây, trong đó có chuyến cập cảng Đà Nẵng của tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan là những hoạt động bình thường nhằm tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm mở rộng quan hệ quốc tế, tiếp tục duy trì và nâng cao các quan hệ đã có, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Triệt để lợi dụng chủ trương này, các thế lực thù địch, phản động sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn hoạt động nhằm chống phá Việt Nam. Đặc biệt, họ tập trung tuyên truyền gieo rắc sự hoài nghi đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam, gây hoang mang dư luận, kích động chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước đối tác, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng, gây khó khăn cho Việt Nam trong đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là trong giải quyết những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, phá hoại môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước của nhân dân Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, mỗi chúng ta cần hết sức tỉnh táo để không mắc mưu, tránh “sập bẫy” a dua, hùa theo những thông tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng của Đảng và Nhà nước ta. Mặt khác các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính tất yếu khách quan của việc tăng cường hội nhập quốc tế; nhận rõ âm mưu, hoạt động lợi dụng chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Chỉ có trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vào công tác đấu tranh phòng, chống các hoạt động lợi dụng chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế để phá hoại Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động./.

Các bài viết khác

Đang online: 1
Tổng truy cập: 321076