THANH NIÊN TIÊN TIẾN LÀM THEO LỜI BÁC

Vị tướng tài trí và những lần được gặp Bác Hồ

“Là một người cộng sản kiên trung, một người con trung hiếu của Liên khu 5, một vị tướng tài trí của quân đội ta, có nhiều công lao đối với Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Tôi nhớ mãi Thiếu tướng Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát một vị tướng tài trí của quân đội ta, người đồng chí thân thiết mà tôi luôn tin tưởng mỗi lần giao nhiệm vụ”. Đó là lời nhận xét của Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong về đồng chí Nguyễn Bá Phát, trong tập sách: Nguyễn Bá Phát, vị tướng tài trí, do Nhà Xuất bản Quân đội xuất bản năm 2007.

Từ trái sang: Đồng chí Nguyễn Bá Phát, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phùng Thế Tài
tại Lễ tuyên dương công trạng vào ngày 07/8/1964.

 


Vị tướng tài trí

Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, sinh năm 1921, trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Là một thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, tháng 7/1945, đồng chí tham gia Đội tự vệ bí mật của Việt Minh chuẩn bị giành chính quyền ở địa phương. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 9/1945, đồng chí gia nhập Vệ quốc đoàn tại Đà Nẵng, Chỉ huy trưởng Thủy đội Bạch Đằng. Đồng chí Nguyễn Bá Phát được người người dân Hòa Vang, Đà Nẵng biết đến là một người có nhiều chiến công lẫy lừng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp trên mảnh đất quê hương.

Tháng 10/1945, đơn vị Thủy đội Bạch Đằng của đồng chí được lệnh lên đường vào Nam theo phong trào “Nam tiến” và đóng quân tại thành phố Quy Nhơn. Tại đây, đơn vị của đồng chí đã tiến công bắt sống 50 lính phát xít Nhật còn cố thủ tại Quy Nhơn. Sau thắng lợi đó, đơn vị được lệnh chi viện cho mặt trận Nha Trang. Giữa tháng 12/1946, Ban Chỉ huy Quân sự mặt trận liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập, do đồng chí Đàm Quang Trung (người dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng) là Chỉ huy trưởng, Nguyễn Bá Phát là Chỉ huy phó. Cuối năm 1946, Nguyễn Bá Phát, Chỉ huy phó mặt trận được cử làm Chỉ huy trưởng Trung đoàn 96. Khi quân Pháp quay trở lại đánh chiếm Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Bá Phát cùng với Ban Chỉ huy mặt trận lãnh đạo quân và dân Đà Nẵng thực hiện tốt nhiệm vụ chặn bước tiến, tiêu hao sinh lực địch và làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng.

Ngày 25/5/1947, đồng chí Nguyễn Bá Phát đã chỉ huy trận phục kích trên đường đèo Hải Vân lần thứ hai, diệt hơn 100 lính Lê Dương, trong đó có tên Đại tá Rôgiê, Chỉ huy quân đội Pháp ở miền Trung Đông Dương. Chiến thắng Hải Vân làm rung động hàng ngũ địch, đây là chiến thắng lớn nhất của quân và dân ta trên chiến trường Liên khu 5 trong năm 1947, làm nức lòng nhân dân cả nước. Với thành tích trên, đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ biểu dương: “So sánh với Toàn quốc, mặt trận Đà Nẵng được liệt vào hạng đánh mạnh nhất và dẻo dai nhất”...Chính phủ tặng cho nhân dân Đà Nẵng lá cờ “Giữ vững”.

Nhắc đến tài cầm quân của Nguyễn Bá Phát, đến hôm nay người dân Hòa Vang không thể quên “trận rút quân thần kỳ của ông Phát” vào dịp Tết năm 1949. Đó là vào ngày 24/01/1949, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Bá Phát, bộ đội ta phục kích chặn đánh một đoàn xe lửa và một đoàn xe quân sự Pháp gồm 18 chiếc, có một chiếc thiết giáp dẫn đầu và máy bay yểm trợ trên đường đèo Hải Vân. Đến 12 giờ trưa cùng ngày, ta lại chặn đánh một đoàn xe khác gồm 12 chiếc từ Huế chạy vào. Sau một ngày chiến đấu quyết liệt, ta tiêu diệt trên 200 tên địch, phá hủy 15 xe quân sự và thu nhiều súng trung liên, đại liên và súng trường. Biết quân ta chưa kịp rút lui, quân Pháp huy động 8 tiểu đoàn kéo lên ngã ba Khe Sô, rải quân từ Eo Ngựa và đèo Mũi Trâu đến dọc hữu ngạn sông Trường Định, hòng bao vây tiêu diệt quân chủ lực của ta. Thâm độc hơn, địch còn cho thu hoặc phá hỏng tất cả ghe thuyền của nhân dân Tây Bắc Hòa Vang và ban lệnh thiết quân luật trên toàn vùng, đồng thời chúng phong tỏa hết các ngả đường. Trước tình hình đó, Nguyễn Bá Phát đã đưa ra một quyết định cực kỳ sáng suốt, đồng chí bàn với Huyện ủy Hòa Vang thực hiện một phương án rất táo bạo là: đưa quân chủ lực vượt sông Trường Định về ở lẫn trong nhân dân vùng địch tạm chiếm.

Đêm ngày 27/01/1949, gần như toàn thể đồng bào Tây Bắc Hòa Vang được huy động vào cuộc rút quân có một không hai này. Để phối hợp với cuộc lui quân, nhằm đánh lạc hướng quân địch, đêm đó các đội du kích Hòa Vang và xã Hòa Liên nổ súng vào các đồn bót chung quanh kiềm chế địch. Nhân dân các xã cánh Bắc huyện Hòa Vang còn đánh mỏ, phô trương thanh thế nhằm đánh lạc hướng địch. Các mẹ, các chị lo tiếp tế; các em thiếu nhi canh gác, dẫn đường; thanh niên, dân quân, đi lấy thuyền. Hơn 30 chiếc thuyền được khiêng qua bãi cát dài 3 km chuyển về sông Trường Định đưa bộ đội bí mật qua sông. Đồng bào hai bên đường đón bộ đội đi qua, tiếp tế lương thực, tặng nhiều quà bánh, thuốc lá, bánh tét...Kết quả: ta đã đưa gần 1.800 bộ đội, du kích, 28 thương binh vượt qua sông an toàn ngay trước vòng vây dày đặc của kẻ thù. Sáng hôm sau, bọn Pháp vẫn tưởng quân ta còn trong vòng vây, nên tiến hành khép chặt, sau khi biết chắc ta đã rút lui an toàn, chúng phải thừa nhận “Việt Minh tài thật!”. Chiến công trên có một ý nghĩa vô cùng to lớn, nó thể hiện tài thao lược của Nguyễn Bá Phát và tình thương yêu của nhân dân Tây Bắc Hòa Vang dành cho. 

Từ năm 1950, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 108, Tham mưu trưởng Mặt trận Bắc Tây Nguyên, Tham mưu phó, rồi Tham mưu trưởng Quân khu 5. Ở bất cứ cương vị nào, bất kỳ chiến trường nào, đồng chí Nguyễn Bá Phát cũng luôn nhận được sự kính trọng của đồng chí, đồng đội và sự tin yêu của quần chúng nhân dân.

Những lần được gặp Bác

Sau khi ta ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 10/1954, đồng chí Nguyễn Bá Phát tập kết ra miền Bắc, được cử vào chức vụ Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308, Ban Nghiên cứu thủy quân, giữ chức vụ Trưởng ban. Phó cục trưởng Cục Phòng thủ bờ biển, rồi Phó Cục trưởng Cục Hải quân, Phó Tư lệnh, Tư lệnh Quân chủng Hải quân kiêm Tư lệnh Quân khu Đông Bắc. Trong những ngày công tác ở miền Bắc, đồng chí vinh dự được nhiều lần gặp Bác Hồ. Mỗi lần gặp Bác, luôn để lại cho đồng chí nhiều bài học có ý nghĩa sâu sắc.

Trong tập hồi ký của mình, đồng chí viết: “tôi nhớ vào năm 1961, Bác Hồ được tin vui các tỉnh: Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa đã tổ chức được 6 thuyền vượt biển ra miền Bắc an toàn. Ông Cụ mừng lắm, không đợi tôi lên Hà Nội báo cáo với Cụ mà bí mật xuống Hải Phòng gặp tôi. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy Bác đẩy nhẹ cánh cửa phòng làm việc của tôi. “Ông cụ” có chòm râu đẹp như tiên không lẫn với ai được. Lúc này, tôi như con nai ngơ ngác. Cụ đoán biết được tâm trạng của tôi, nên ra hiệu cho tôi không được reo lên! Tôi xúc động quá, đang ấp úng, thì Cụ chủ động nói: “Bí mật bất ngờ là bí quyết của mọi thắng lợi, phải không chú Phát ?”. Tôi chưa kịp thốt lên tiếng “vâng” thì Cụ đã hỏi: “Các chú ở trong ấy ra đi đâu cả rồi?”. Lẽ ra, việc hệ trọng này, tôi phải lên báo cáo với Bác và các đồng chí Trung ương ngay trong đêm, nhưng sợ làm mất giấc ngủ của Bác, nên tôi nán lại cho đến sáng... Nhưng Cụ đã xuống…Trước khi lên xe rở về Hà Nội, Bác cầm tay tôi, dắt ra phía đầu hồi nhà làm việc - nơi có dãy cây bàng che kín gió, Bác nói vừa đủ cho tôi nghe: “Chú là gốc lính thủy Pháp, chú có nhiều kinh nghiệm đi biển, đánh thắng thằng Mỹ này phải khác với đánh thắng thằng Pháp. Chú có công quật ngã thằng Pháp dưới mặt biển, thì bây giờ chú phải quật ngã tiếp thằng Mỹ xâm lược này nữa chứ chú Phát!”. Nói rồi Bác cười. Tôi như nuốt từng lời của Bác”.

Nhằm đánh phá miền Bắc để ngăn chặn nguồn tiếp tế về người và của ta cho miền Nam và nhằm “nâng cao tinh thần đã bị lung lay của ngụy quyền Sài Gòn”, giữa năm 1964 đế quốc Mỹ âm mưu tổ chức chiến dịch ném bom có chọn lọc miền Bắc. Từ tháng 7/1964, Mỹ liên tục cho máy bay, tài chiến xâm phạm bầu trời và vùng biển nước ta. Đặc biệt, đầu tháng 8/1964, tàu khu trục Ma - đốc liên tục hoạt động trong vùng biển giữa đảo Hòn Mê và Lạch Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa khiêu khích và bắn phá thuyền đánh cá của ta. Để bảo vệ chủ quyền trên biển của ta, Hải quân nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy của dc Nguyễn Bá Phát cùng lực lượng Phòng không - Không quân đã bắn rơi 8 chiếc máy bay phản lực của Mỹ, bắt giặc lái, lập nên chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam vào ngày 5/8/1964. Gây chấn động dư luận trong và ngoài nước. Ngày này được lấy làm ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam. Với thành tích đó, ngày 7/8/1964, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ tuyên dương công trạng các đơn vị phòng không, không quân và Hải quân. Bác Hồ đã đến dự và biểu dương các đơn vị đã lập chiến công: “Bác rất vui mừng thay mặt Đảng và chính phủ đến khen ngợi các chú đã lập được thành tích to lớn trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ vừa qua”. Dịp này, Tư lệnh Nguyễn Bá Phát và Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài đã được chụp hình với Bác. Một điều đặc biệt đối với đồng chí Nguyễn Bá Phát là được Bác tặng chiếc đồng hồ đeo tay có khắc tên của Người bằng chữ Hán. Chiếc đồng hồ đó được đồng chí luôn giữ bên mình và coi đây là một kỷ vật quý giá nhất trong đời mình.

Tháng 4/1975, đồng chí Nguyễn Bá Phát được phong hàm Thiếu tướng. Sau ngày đất nước giải phóng, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát được điều sang Bộ Hải sản với cương vị công tác là Thứ trưởng Thường trực, đồng chí lại có nhiều công lao lớn trong việc xây dựng Bộ Hải sản. Đặc biệt, từ năm 1975 - 1985, tại Quảng Nam - Đà Nẵng, trước tình hình vượt biên, vượt biển và bọn xâm nhập quấy phá nền trị an ta, dc Nguyễn Bá Phát đã chủ trương cho các ngư dân vùng duyên hải miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng thực hiện phong trào “tay lưới, tay súng” vừa đánh bắt thủy hải sản, vừa thực hiện tuần tra, canh gác, bảo vệ vùng trời, vùng biển. Hàng trăm Hải đội tự vệ của ngư dân Quảng Nam - Đà Nẵng ra đời và đem lại nhiều chiến công lớn. Tình trạng vượt biên, vượt biển từng ngày bị chặn đứng. Năng lực đánh bắt thủy hải sản xuất khẩu của tỉnh tăng mạnh, trở thành một trong những địa phương điển hình cả nước.

Năm 1986, đồng chí nghỉ hưu và về sống tại thành phố Đà Nẵng cho đến khi qua đời vào năm 1993. Với những công lao và đóng góp của mình đồng chí đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tên của đồng chí đã được đặt tên đường tại thành phố Đà Nẵng và tên trường Trung học cơ sở tại xã Hòa Liên - quê hương đồng chí.

Lê Năng Đông
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam)

Các bài viết khác

Đang online: 1
Tổng truy cập: 321074