THANH NIÊN TIÊN TIẾN LÀM THEO LỜI BÁC

NỮ ANH HÙNG HỒ KAN LỊCH - NGƯỜI BẮN RƠI MÁY BAY ĐỊCH BẰNG SÚNG TRƯỜNG

NỮ ANH HÙNG HỒ KAN LỊCH - NGƯỜI BẮN RƠI MÁY BAY ĐỊCH BẰNG SÚNG TRƯỜNG

Sinh năm 1943, tại xã Hồ Bắc, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế, năm 1958, Kan Lịch đã tham gia cách mạng, lúc đầu là liên lạc, chuyển công văn, thư từ cho cán bộ du kích trong xã. Năm 1961, bà tham gia vào đội du kích.

Ngoài việc sản xuất, chị em trong đội du kích phải vót chông, đào hầm chông, làm bẫy chông đánh địch... Với sự hướng dẫn, chỉ đạo của bộ đội địa phương, bà và chị em du kích đã tham gia nhiều trận đánh, học tập cách bắn máy bay, sử dụng các loại vũ khí... Năm 1963, trong một trận đánh ở A Lưới, mặc dù bị chông đâm, bà vẫn cùng tổ du kích lọt vào giữa bốt địch lúc chúng đang ngủ và diệt được 4 tên.

Trong một trận đánh khác vào tháng 5/1964, bà đã dẫn tổ du kích vào phục sát sân bay A Lưới, giữa đồi tranh nắng gắt, chịu đói, chịu khát suốt hơn hai ngày kiên trì chờ máy bay địch xuống sân bay rồi diệt cả bọn, trong đó có một tên đại tá Mỹ. Chỉ tính từ năm 1961 - 1965, bà Kan Lịch đã diệt 150 tên, 1 đại tá Mỹ, bắn rơi 1 máy bay, bắt sống 2 tên địch, thu 2 khẩu súng, giúp sức cùng đội du kích nữ diệt 1.000 tên địch.

Với những thành tích nổi bật trong chiến đấu, bà Kan Lịch đã được công nhận là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh Thừa Thiên - Huế, cấp Quân khu V. Thật vinh dự vào năm 1967, bà được Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tháng 6/1968, đoàn anh hùng, dũng sỹ diệt Mỹ của miền Nam gồm 5 người ra thăm miền Bắc, trong đó có bà Kan Lịch. Bà là nữ anh hùng người dân tộc đầu tiên của chiến trường. Đoàn đã được đi thăm nhiều nơi, được gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị quan khách quốc tế. Đặc biệt đoàn được gặp Bác Hồ, chụp ảnh cùng Bác. Tấm ảnh “Bác Hồ cùng với các anh hùng, dũng sỹ miền Nam” trong đó có bà Kan Lịch đã đi vào lịch sử.

Bà Kan Lịch xúc động cho biết: “Trong chuyến đi này, thật vinh dự, bà đã 7 lần được gặp Bác Hồ, trong đó có 3 lần được ăn cơm với Bác. Bác Hồ đã tặng bà bút viết để đi học, đồng hồ đeo tay, đài, súng”.

Bà nhớ lại: “Được gặp Bác cứ nghĩ như mình đang mơ, đó thực sự là điều bất ngờ! Bác thật gần gũi, như một ông tiên. Mỗi lần gặp, Bác Hồ động viên dặn bà rất nhiều: phải cố gắng giữ được danh hiệu Anh hùng; cố gắng học để biết đọc, biết viết tiếng Kinh, cố gắng góp phần để xây dựng mối đoàn kết dân tộc”.

Trong thời gian ở miền Bắc, bà Kan Lịch đã được đi học tại Vĩnh Phúc, đến năm 1972 bà trở lại chiến trường làm trợ lý tác chiến Quân khu V. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà về công tác tại Tỉnh đội Bình Trị Thiên rồi Ủy ban nhân dân huyện A Lưới, tham gia công tác Mặt trận, thương binh - xã hội, phụ nữ cho đến 1988 nghỉ hưu tại thị trấn A Lưới.

Về nghỉ hưu, khi đó cuộc sống gia đình bà cũng như nhiều gia đình bà con dân tộc thiểu số ở A Lưới hết sức khó khăn, vì vùng đất này vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh, bom mìn, chất độc hoá học, đất đai cằn cỗi.

Bản thân bà vừa phải nuôi con, chăm chồng bị bệnh tim, đau ruột thừa lại phải tự chăm sóc mình những vết thương của chiến tranh, luôn tái phát lúc trái gió trở trời. Không chỉ có vậy, để chăm lo cho cuộc sống gia đình, bà cùng các con phát rẫy trồng lúa, bắp, dứa... vừa phải đi tìm mảnh bom, sắt vụn, tìm cây mây trong rừng để bán. Nhưng cuộc sống của gia đình bà vẫn không ít khó khăn, bữa ăn hàng ngày vẫn phải độn sắn, khoai...

Vào những năm 1990, qua báo chí, những đồng đội cũ rồi lãnh đạo địa phương biết được điều kiện, cuộc sống của gia đình bà đã vận động, quyên góp giúp đỡ tiền để xây dựng căn nhà, hỗ trợ vốn để nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình. Cho đến nay, ngoài tiền lương hàng tháng cộng với tiền thu từ phát triển kinh tế đồi, rừng, chăn nuôi bò, lợn, cuộc sống của gia đình bà Kan Lịch đã tương đối ổn định.

Hiện tại bà Kan Lịch ở cùng với người con trai thứ 2 trong căn nhà được đồng đội và chính quyền địa phương giúp đỡ xây dựng. Ngoài việc trông cháu, phụ giúp con bán hàng cà phê, bà Kan Lịch vẫn tích cực tham gia công tác xã hội ở thị trấn A Lưới. Bà luôn là thành viên tích cực trong việc động viên bà con tham gia phong trào xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư, hướng dẫn bà con tìm hiểu pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị ở vùng dân tộc thiểu số... động viên bà con dân tộc thiểu số: không đốt phá rừng, tích cực chăn nuôi, phát triển trồng rừng

Bà Kan Lịch nói: “Mình luôn ghi nhớ những lời dặn dò của Bác Hồ kính yêu: là Anh hùng phải luôn cố gắng ở mọi công việc, mọi nơi, phải xứng đáng là tấm gương cho mọi người học tập, noi theo”

Phạm Cẩm Hà / Báo CAND Online 20/02/2007

1) Hồ Kan Lịch trong một lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu).

2) Hồ Kan Lịch (sinh năm 1943) là một trong những nữ anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên trên dải Trường Sơn. Bà là người dân tộc Pa Kô, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh tư liệu

3) Bác Hồ gặp gỡ đoàn Anh hùng dũng sĩ miền Nam, một trong số đó có

Hồ Kan Lịch (góc phải ảnh). Ảnh: T.L

Các bài viết khác

Đang online: 1
Tổng truy cập: 321087