THANH NIÊN TIÊN TIẾN LÀM THEO LỜI BÁC

TẦM NHÌN VĂN HÓA CỦA BÁC TRONG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÔNG BỘC

TẦM NHÌN VĂN HÓA CỦA BÁC TRONG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÔNG BỘC

Việc xây dựng đội ngũ công chức là một trong những vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Bởi, Bác ý thức rất rõ, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước phụ thuộc rất lớn ở đội ngũ nguồn nhân lực này. Chính vì vậy, Người quyết tâm xây dựng cho bằng được đội ngũ cán bộ, công chức đủ đức, đủ tài, trong đó đức là gốc, là nền tảng. Bác đã nhiều lần căn dặn và quán triệt: Cán bộ là “công bộc”, là “đầy tớ” của nhân dân, phải yêu thương, kính trọng nhân dân, tận tâm, tận tụy với nhân dân. Ngoài ra, cán bộ công chức phải đủ tài để có chất lượng công tác, có tính chuyên môn hóa và tính chuyên nghiệp hóa cao, bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành thông suốt. Đặc biệt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đã là cán bộ công chức nhà nước thì phải nắm chắc luật pháp, am hiểu pháp luật và vận dụng chúng một cách nhuần nhuyễn trong lĩnh vực hoạt động của mình, tránh làm sai, gây hậu quả cho dân, cho nước. Khi xây dựng và thi hành pháp luật thì phải dựa trên cơ sở đạo đức để xử lý cho công tâm, nghiêm minh. Người căn dặn cán bộ tư pháp phải luôn nhớ một triết lý nhân sinh khi thực thi luật pháp: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác... là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức...”. Triết lý nhân sinh ấy theo suốt cuộc đời Bác, thấm đẫm trong cách ứng xử của Bác với dân, với nước. Triết lý nhân sinh đó là ngọn nguồn của những giá trị toát ra từ con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, lan tỏa những điều tốt đẹp, khơi dậy cái tốt, cái thiện tiềm ẩn trong mỗi con người, giáo dục và hoàn thiện nhân cách con người trong xã hội.

Lâu nay vẫn tồn tại một nhận thức cho rằng vấn đề nhà nước là vấn đề chính trị. Tuy nhiên, trong tính hiện thực khách quan, chính trị nằm trong các mối quan hệ xã hội, nó tác động qua lại giữa các mặt kinh tế, văn hóa. Trong mối quan hệ với văn hóa, Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng cũng là chính trị, chính trị hiểu sâu cũng là văn hóa”.

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân với phương châm lấy dân làm gốc, thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây chính là sự tiếp tục thực hiện tư tưởng về xây dựng nhà nước do dân làm chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới chứa đựng toàn bộ những tinh hoa của các mô hình nhà nước đương đại và các giá trị của nhà nước truyền thống, vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nhân văn sâu sắc.

QĐND (TNĐ-NV)

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng

Các bài viết khác

Đang online: 1
Tổng truy cập: 321084