THANH NIÊN TIÊN TIẾN LÀM THEO LỜI BÁC

Ba anh em học viên sĩ quan

Ở miền quê Quất Lâm (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), nhiều người biết đến gia đình chị Nguyễn Thị Thắm bởi ba con trai đều thi đậu và học ở các học viện, nhà trường trong Quân đội. Một gia đình có ba con trai đều nhập ngũ không phải hiếm có, nhưng ba anh em đều học các trường sĩ quan Quân đội thì thật là một kỳ tích.

Gặp chúng tôi tại lễ tốt nghiệp, Thiếu úy Đỗ Thành Long, học viên lớp Cảnh sát biển 13, Học viện Hải quân vừa mới được điều động về công tác tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển không giấu được niềm vui, tự hào: “Sự cố gắng của tôi là động lực để các em học tập”. Hòa trong niềm hân hoan đó, mẹ và em trai út cũng có mặt để chứng kiến sự trưởng thành của Long.

Sinh ra và lớn lên ở miền quê ven biển, làm bạn thường xuyên với biển nên ngay từ thuở bé, Đỗ Thành Long đã mong muốn trở thành người chiến sĩ hải quân. Tốt nghiệp THPT, cùng lúc trúng tuyển vào Trường Đại học FPT, nhưng Đỗ Thành Long đã chọn Học viện Hải quân để thỏa niềm mơ ước của mình.

Những ngày đầu quân ngũ, Long không khỏi bỡ ngỡ bởi chế độ, nền nếp sinh hoạt, học tập đều theo thời gian, giờ giấc quy định. Tuy nhiên, sau một thời gian Long cũng quen dần với môi trường mới. Mỗi lần điện thoại về gia đình, Long đều tâm sự với bố mẹ, hai em trai để hiểu hơn về quá trình học tập và rèn luyện của mình.

Những câu chuyện đó đã tạo động lực cho hai người em phấn đấu học tập đạt kết quả cao. Người em Đỗ Trung Quân dù theo học Đại học Công nghiệp Hà Nội song vẫn tiếp tục ôn luyện thi vào Trường Sĩ quan Công binh, đến nay Quân là học viên năm thứ ba của ngôi trường này. Tiếp nối hai anh, Đỗ Quang Khánh cũng thi đậu vào quân đội và hiện nay đang là học viên năm thứ hai của Học viện Hải quân.

- Chị mong muốn gửi gắm điều gì đến các con? - Tôi hỏi chị Nguyễn Thị Thắm.

- Tôi mong các con luôn tự tin, vui vẻ và mạnh khỏe. Với Đỗ Thành Long sẽ nhanh chóng làm quen với môi trường, công việc mới; còn hai em cố gắng rèn luyện, học tập thật tốt, có dịp cả nhà sẽ được sum họp, quây quần bên nhau.

Trong câu chuyện ngắn ngủi với chị Thắm tôi vẫn cảm nhận được niềm tự hào khi chị kể về nỗ lực của các con vượt khó để thi đậu vào các nhà trường Quân đội. Gia đình chị làm nông nghiệp, còn gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện đầu tư cho con học tập như những gia đình khác, mà ở đó là sự cố gắng, nỗ lực bảo ban nhau, anh làm gương cho em và em phấn đấu theo anh.

Chia sẻ với chúng tôi, Đỗ Quang Khánh cho rằng, việc học tập ở môi trường Quân đội đòi hỏi phải rèn luyện cả trí và lực, nhưng khi đã quen với việc chấp hành các chế độ, nền nếp kỷ luật thì cảm thấy thoải mái. Cuối tuần, Khánh đều điện thoại về hỏi thăm gia đình để bố mẹ không phải lo lắng, cũng như chia sẻ với hai anh của mình, cùng động viên nhau trong học tập, công tác.

Theo Thiếu tá Đào Văn Thắng, Chính trị viên Tiểu đoàn 452, Trung tâm Huấn luyện Vùng 4 Hải quân, ở đơn vị từng quản lý một số gia đình có anh và em theo học sĩ quan, nhưng như ba anh em Đỗ Quang Khánh là trường hợp đầu tiên. Quá trình rèn luyện đã cho thấy sự tiến bộ của Khánh, từ một học viên rụt rè, nhút nhát, sau thời gian đơn vị tổ chức gặp gỡ, đồng đội động viên, giúp đỡ trong quá trình công tác, bản lĩnh của Khánh được nâng lên, phát huy tốt truyền thống của gia đình và nhất là tinh thần học tập, phấn đấu của hai anh trai.

Có thời gian trực tiếp quản lý Đỗ Thành Long trong thời gian học tập tại Học viện Hải quân, Trung úy Hoàng Tuấn Anh, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 2, cho biết: “So với đồng đội trong lớp, Long trầm tính, ít nói hơn, song luôn có sự cố gắng nỗ lực trong học tập, chấp hành nghiêm mọi kỷ luật. Được biết cả ba anh em đều theo học ở các nhà trường trong Quân đội, đây sẽ là câu chuyện thực tế, minh chứng sau này chúng tôi tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, thu hút nguồn nhân lực, học sinh thi vào Quân đội”.

Bài và ảnh: VŨ MINH DUY

Các bài viết khác

Đang online: 1
Tổng truy cập: 320418